Bệnh Parkinson: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

09:44 12/04/2024

Tác giả: Đội ngũ biên tập OTiV

Bệnh Parkinson là bệnh lý thần kinh tiến triển chậm, phổ biến ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ, cảm xúc và vận động. Bệnh không thể chữa dứt điểm nhưng nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ được cải thiện đáng kể, phòng ngừa hiệu quả các biến chứng nghiêm trọng.

Parkinson (viết tắt là PD) là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong khu vực đặc biệt của não gọi là chất đen hay liềm đen (tên tiếng anh là Substantia Nigra). Độ tuổi trên 55 là thời điểm khởi phát bệnh với triệu chứng rất mơ hồ và khó nhận biết, phổ biến là run tay.

Theo thời gian, các triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ khi bệnh chuyển nặng. Không chỉ run tay, người bệnh Parkinson còn phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng như khó đi lại, mất thăng bằng, sa sút trí tuệ, thay đổi cảm xúc…

Mặc dù căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị theo phác đồ y khoa có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. Một số trường hợp không đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật đặt điện cực kích thích não để phục hồi chức năng não và vận động cho người bệnh.

Tên

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Parkinson có thể không hoàn toàn giống ở tất cả người bệnh. Tuy nhiên, khi mắc phải căn bệnh này, hầu hết mọi người đều nhận thấy những biểu hiện cơ bản sau:

Run

Hiện tượng run rẩy thường bắt đầu ở một chi (bàn tay hoặc các ngón tay) và có thể xảy ra ngay cả khi bàn tay ở trạng thái nghỉ ngơi. Triệu chứng này tồn tại nhiều năm ở một bên cơ thể và sẽ giảm hoặc biến mất khi vận động.

Hạn chế phạm vi và làm chậm chuyển động 

Khả năng vận động của người bệnh sẽ bị suy giảm theo thời gian, khiến những công việc vốn dĩ đơn giản cũng trở nên khó khăn và phải tốn nhiều thì giờ mới có thực hiện xong. Người bị Parkinson có thể cảm thấy các bước đi của mình ngắn hơn, khó rời khỏi ghế và có xu hướng kéo lê chân khi cố gắng bước đi.

Cơ bắp bị căng cứng

Cứng cơ cũng là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Khi các cơ cứng đơ sẽ gây đau và gây khó khăn khi thực hiện chức năng vận động.

Thay đổi tư thế và khó giữ thăng bằng

Hình dáng của người bị Parkinson dần dần thay đổi sang tư thế khom lưng và khó giữ trạng thái thăng bằng, dẫn đến nguy cơ vấp ngã cao và hiện tượng đi giật lùi.

Mất dần các chuyển động vô thức của cơ thể

Một số chuyển động tự động trong vô thức của cơ thể gồm chớp mắt, nuốt, vung tay khi đi bộ… bị giảm đi rõ rệt.

Thay đổi lời nói

Giọng nói có thể thay đổi khi bạn bị bệnh Parkinson , cụ thể là câu chữ phát ra bị bóp nghẹt, âm lượng thấp. Thông thường, người bệnh sẽ bị nói lắp bắp hoặc ngập ngừng khi nói chuyện. Quá trình diễn đạt một câu chuyện, một vấn đề vô cùng đơn điệu bởi người bệnh không còn khả năng biến tấu nhịp điệu nói như thông thường.

Chữ viết bị biến đổi 

Người bị Parkinson không chỉ khó viết chữ và nét chữ viết tay của họ cũng biến đổi, thường là cỡ chữ nhỏ hơn và chen chúc vào nhau.

Ngoài những biểu hiện phổ biến kể trên, bệnh Parkinson còn khiến người bệnh giảm khứu giác, táo bón và khó biểu cảm gương mặt. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như:

  • Bong vảy trắng hoặc vàng trên các vùng da tiết nhiều chất nhờn (viêm da tiết bã).

  • Rối loạn giấc ngủ bao gồm: Có những giấc mơ sống động, nói chuyện và chuyển động trong lúc ngủ.

  • Phiền muộn, lo lắng và thậm chí là ảo giác.

  • Giảm khả năng chú ý và ghi nhớ.

  • Gặp rắc rối trong việc quan sát và định vị không gian.

  • Hầu hết người bệnh Parkinson đều cảm thấy mất năng lượng và mệt mỏi, đặc biệt là vào cuối ngày..

  • Một vài trường hợp bị đau ở những vùng cụ thể trên cơ thể hoặc khắp cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh Parkinson không dễ nhận biết. Nhiều người khi phát hiện mình bị Parkinson thì bệnh đã chuyển nặng, gây ra nhiều khó khăn trong việc vận động.

Bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi nhận ra bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh Parkinson. Việc tìm đến sự hỗ trợ y tế sớm vừa giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời vừa loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson.

Nguyên nhân gây Parkinson vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng tình trạng suy giảm chất dopamine và norepinephrine –  các chất dẫn truyền tín hiệu trong não được cho là có tác động lớn nhất. Khi nồng độ dopamine sụt giảm sẽ gây ra những thay đổi bất thường ở não, dẫn đến hạn chế vận động và các triệu chứng khác của bệnh Parkinson.

Bên cạnh đó, những yếu tố làm gia tăng nguy cơ phát triển và tiến triển nặng của bệnh Parkinson bao gồm:

  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh Parkinson cao gấp đôi nữ giới.

  • Chủng tộc: Người da trắng mắc bệnh Parkinson nhiều hơn người Mỹ gốc Phi hoặc người châu Á.

  • Tuổi tác: Độ tuổi trên 50 (từ 55 đến 60) là đối tượng dễ bị Parkinson. Còn độ tuổi trước 40 tuổi chỉ chiếm khoảng 5 – 10% tổng số ca bệnh.

  • Tiền sử gia đình (di truyền): Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh Parkinson phải đối mặt với  rủi ro mắc bệnh Parkinson cao hơn người khác.

  • Độc tố: Thường xuyên tiếp xúc với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hoặc các chất độc trong môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau này (nhưng nguy cơ này tương đối thấp).

  • Chấn thương đầu: Những người gặp chấn thương hoặc vấn đề ở đầu dễ mắc bệnh Parkinson hơn.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn tìm ra sự hiện diện của thể Lewy – tình trạng tích lũy protein trong tế bào thần kinh của não có liên quan đến bệnh Parkinson. Dấu hiệu này mở ra hướng nghiên cứu mới về nguyên nhân gây bệnh Parkinson hiện nay.

Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính, “ủ bệnh” nhiều năm với những biểu hiện khởi phát khó nhận biết và đến khi chuyển sang giai đoạn nặng có thể khiến người bệnh chịu những biến chứng khôn lường:

  • Sa sút trí tuệ: Người bệnh có thể gặp các vấn đề về nhận thức (sa sút trí tuệ) và khó khăn trong suy nghĩ. Những điều này thường xảy ra ở giai đoạn sau của bệnh Parkinson.

  • Trầm cảm và thay đổi cảm xúc: Ngay từ giai đoạn đầu của bệnh đã xuất hiện dấu hiệu của chứng trầm cảm. Bạn có thể phải trải qua những thay đổi cảm xúc như sợ hãi, lo lắng hoặc mất động lực.

  • Gặp các vấn đề về nuốt: Nước bọt sẽ sẽ dồn đọng trong miệng do quá trình nuốt chậm, nuốt khó dẫn đến chảy nước dãi khi bị Parkinson. Thêm vào đó, mắc phải căn căn bệnh này, bạn còn gặp khó khăn trong việc nhai nuốt (ở giai đoạn cuối) khiến khiến cơ thể bị thiếu dinh dưỡng và dễ bị nghẹn gây khó thở.

  • Rối loạn giấc ngủ: Những người mắc bệnh Parkinson thường bị rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, thức giấc giữa đêm, thức dậy sớm hoặc ngủ gật vào ban ngày.

  • Các vấn đề về bàng quang: Bệnh Parkinson có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở bàng quang, cụ thể là không thể kiểm soát được nước tiểu hoặc khó đi tiểu.

  • Táo bón: Nhiều người bị Parkinson gặp tình trạng táo bón, bởi đường tiêu hóa hoạt động kém hơn bình thường.

  • Huyết áp thay đổi: Bạn có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng do huyết áp giảm đột ngột nếu bị chứng rối loạn thần kinh Parkinson.

  • Rối loạn chức năng khứu giác: Nhiều bệnh nhân Parkinson có thể gặp khó khăn trong việc xác định một số mùi nhất định hoặc phân biệt các mùi khác nhau.

  • Rối loạn chức năng tình dục: Một vài trường hợp có thể nhận thấy giảm ham muốn và hoạt động tình dục.

Những biến chứng nặng nề này ảnh hưởng đến mỗi người bệnh theo từng mức độ khác nhau. Và nếu được điều trị sớm cũng như điều trị đúng cách, người bệnh sẽ tránh được phần lớn những mối đe dọa này.

Căn bệnh Parkinson là một bệnh lý chậm tiến triển với các triệu chứng thường xấu đi theo thời gian. Để thuận lợi cho việc điều trị, các chuyên gia đã chia Parkinson thành 5 giai đoạn tương đương với những dấu hiệu từ nhẹ đến nặng:

Giai đoạn 1

Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh rất nhẹ, không đáng chú ý. Cuộc sống và công việc của người bệnh chưa bị xáo trộn. Nếu có triệu chứng ban đầu là run thì chỉ diễn ra ở một bên của cơ thể.

Giai đoạn 2

Quá trình phát triển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 mất vài tháng, thậm chí vài năm. Ở giai đoạn 2, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Cứng cơ bắp

  • Thay đổi nét mặt

  • Run các chi

  • Khó thăng bằng

Những triệu chứng này có thể xuất hiện ở cả hai bên của cơ thể. Người bệnh bắt đầu nhận thấy tư thế, dáng đi và nét mặt có sự thay đổi rõ ràng.

Giai đoạn 3

Triệu chứng của Parkinson ở giai đoạn 3 đã bắt đầu can thiệp vào cuộc sống và công việc hàng ngày của người bệnh với hàng loạt khó khăn:

  • Chuyển động chậm chạp làm mất nhiều thời gian cho mỗi hoạt động

  • Mất thăng bằng dẫn đến thường xuyên té ngã

Tuy nhiên, người bệnh Parkinson giai đoạn 3 vẫn có thể hoàn thành các hoạt động một cách độc lập mà chưa cần đến sự trợ giúp của người khác.

Giai đoạn 4

Lúc này, người bệnh sẽ gặp khó khăn lớn khi đứng nếu không có khung tập đi hay thiết bị hỗ trợ. Các phản ứng và chuyển động của cơ thể chậm hơn rất nhiều, thế nên người bệnh có thể gặp nguy hiểm khi sống một mình.

Giai đoạn 5

Đây là giai đoạn nặng nhất. Người bệnh buộc phải có sự hỗ trợ suốt ngày đêm bởi rất khó hoặc không thể đứng vững, thậm chí phải sử dụng xe lăn.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, những người bị Parkinson có thể bị nhầm lẫn, ảo tưởng và ảo giác. Biến chứng này khiến người bệnh gặp trở ngại lớn trong đời sống tinh thần lẫn thể chất.

Đây là hệ thống các giai đoạn tiến triển cơ bản của bệnh Parkinson. Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng của từng giai đoạn để đo lường mức độ nguy hiểm và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

Đến nay vẫn chưa có cách điều trị Parkinson triệt để, nhưng ở mỗi giai đoạn của bệnh, bác sĩ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn biến chứng hiệu quả. Dưới đây là các giải pháp được áp dụng trong điều trị bệnh Parkinson ở thời điểm hiện tại, bạn có thể tham khảo chi tiết.

Điều trị bằng thuốc

Người bệnh Parkinson gần như phải dùng thuốc suốt đời, nhưng việc dùng thuốc cho kết quả cao nhất ở giai đoạn 1 với các loại thuốc khác nhau:

  • Thuốc bổ sung chất dẫn truyền tín hiệu trong não Dopamine.
  • Thuốc kháng cholinergic ức chế dẫn truyền thần kinh, điều hòa thần kinh giao cảm.
  • Thuốc ức chế COMT (Catechol-O-methyltransferase) hỗ trợ giáng hóa Dopamine.
  • Thuốc ức chế MAO B (Enzyme Monoamine Oxidase B làm phân hủy dopamine trong não).

Theo thời gian, hiệu quả của thuốc điều trị Parkinson giảm xuống và có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn ở giai đoạn cuối của bệnh như khô miệng, tim đập nhanh, buồn nôn, đau bụng… Nhưng không thể phủ nhận việc dùng thuốc đúng lúc giúp kiểm soát tốt các triệu chứng Parkinson.

Tên

Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị Parkinson

Điều trị phục hồi chức năng

Các liệu pháp phục hồi chức năng hỗ trợ giảm bớt một số triệu chứng và biến chứng của bệnh Parkinson, chẳng hạn như đau đớn, mệt mỏi và trầm cảm. Khi được thực hiện kết hợp với các phương pháp điều trị khác, liệu pháp này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những liệu pháp phục hồi chức năng cho người bị Parkinson gồm có: Massage, yoga, thiền, bài tập tăng cường cơ bắp, giữ thăng bằng hoặc nuôi thú cưng. Kiên trì phục hồi chức năng sẽ mang lại cho người bệnh nhiều lợi ích to lớn:

  • Tăng cường độ linh hoạt của cơ bắp, cải thiện khả năng cân bằng và vận động.
  • Thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, điều hòa cảm xúc và hướng người bệnh đến những suy nghĩ tích cực.
  • Giảm nhẹ các rối loạn về nói, nuốt và khắc phục chứng run, cứng cơ.

Song song với điều trị phục hồi chức năng, người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh. Vì vậy, người nhà nên ứng dụng các biện pháp này kết hợp với việc dùng thuốc để cải thiện khả năng vận động của người bệnh.

Điều trị bằng phẫu thuật

Khi thuốc và liệu pháp phục hồi chức năng không còn đáp ứng với người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng đến phương pháp phẫu thuật với 3 kỹ thuật chính là:

  • Phẫu thuật định vị
  • Phẫu thuật kích thích não sâu
  • Phẫu thuật ghép mô thần kinh

Trong đó, phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu được ứng dụng rộng rãi hơn cả. Bản chất của kỹ thuật này là bác sĩ sẽ cấy điện cực vào các phần cụ thể của não giúp kết nối dẫn truyền não, giảm đi triệu chứng của bệnh.

Tùy vào tình trạng bệnh lý của mỗi người, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ chữa trị thích hợp. Trong suốt quá trình điều trị bệnh Parkinson, bạn hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ của mình để không bỏ lỡ bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson vẫn chưa được xác định rõ ràng, thế nên không có cách nào để phòng ngừa triệt để căn bệnh này. Chuyên gia chỉ đưa ra một số yếu tố được cho là có thể giảm nhẹ phần nào nguy cơ mắc bệnh như:

  • Tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Uống trà xanh và cà phê với lượng hợp lý.
  • Tắm nắng tăng cường vitamin D.
  • Trang bị đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất độc hại.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu flavonoid.
  • Tập thể dục nâng cao sức đề kháng và tăng sức mạnh, độ dẻo dai cho cơ bắp.

Nghiên cứu gần đây về đề tài: “Ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh Parkinson” đăng tải trên trang NCBI (trang thông tin của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia thuộc Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ) cho thấy: Việc thay đổi và xây dựng lối sống khoa học như tập thể dục đều đặn mỗi ngày và thiết kế khẩu phần ăn uống giàu chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ phòng ngừa sự suy giảm của tế bào thần kinh sản xuất chất Dopamine. Kết quả này mở ra hướng phòng và điều trị Parkinson mới đó là bổ sung tinh chất chuyên biệt có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, từ đó kiểm soát sự hình thành của gốc tự do giúp bảo vệ các tế bào thần kinh hiệu quả.

02:15 12/04/2024
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest
Gửi Câu Hỏi
*Vui lòng điền thông tin chính xác để chúng tôi thông báo cho bạn khi có kết quả
Bài viết khác

Suy nhược thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bạn hay quên, không tập trung, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi không lý do…? Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị suy nhược thần kinh, căn...

Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Alzheimer là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, gây suy giảm trí nhớ trầm trọng, thường xảy ra ở người già.. Nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn...

Lưu ý khi chọn thuốc cải thiện suy giảm trí nhớ

Khi có dấu hiệu hay quên, đãng trí, trí nhớ kém…nhiều người vội vàng tìm đến các loại thuốc bổ não mà chưa hiểu rõ về những loại thuốc này.

Biện pháp giúp phục hồi trí nhớ một cách tự nhiên

Suy giảm trí nhớ và các căn bệnh liên quan đến nhận thức như Alzheimer đang trở thành gánh nặng toàn cầu với chi phí cải thiện, khó khăn cho...

Rèn luyện trí nhớ bằng tuyệt chiêu đơn giản

Ai cũng có lúc hay quên, đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng bận rộn. Mặc dù đây có thể là một điều hoàn toàn bình thường, nhưng nếu...

Suy giảm trí nhớ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách cải thiện

Theo ước tính, cứ 3 giây lại có một người Việt bị suy giảm trí nhớ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và cải thiện đúng cách, khoảng 50%...


Copyright © 2014 OTiV

Các thông tin trên website otiv.com.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. OTiV không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.